Cùng với sức nóng của làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp, nhiều dự án BĐS công nghiệp tại Khánh Hoà cũng trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư. Có không ít doanh nghiệp muốn lựa chọn các KCN và Cụm KCN tại đây là điểm đến đầu tư mới. Thị trường BĐS công nghiệp Khánh Hoà cũng nhờ đó mà sôi động và nóng bỏng hơn bao giờ hết.
BĐS công nghiệp Khánh Hoà sôi động
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 4 khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Suối Dầu, KCN Ninh Thủy, KCN Nam Cam Ranh và KCN Vạn Thắng.
Trong đó, KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm) rộng 136,7 ha được quy hoạch phát triển đa ngành, đến nay tỉ lệ lấp đầy khoảng 93%. KCN Ninh Thủy (huyện Ninh Hòa) nằm trong KKT Vân Phong có diện tích 207,9 ha, được quy hoạch phát triển đa ngành nhưng đến nay tỉ lệ lấp đầy chỉ hơn 30%.
Hai KCN còn lại là Nam Cam Ranh (TP Cam Ranh) quy hoạch 350 ha và KCN Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) quy hoạch 200 ha hiện đang được kêu gọi đầu tư.
Ngoài 4 KCN, Khánh Hòa còn quy hoạch 12 cụm công nghiệp (CCN) gồm Diên Phú, Đắc Lộc, Cụm công nghiệp và chăn nuôi Khatoco, Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É (1, 2, 3), Tân Lập, Ninh Xuân, Dốc Đá Trắng, Cam Thịnh Đông, Sơn Bình và Cam Thành Nam với tổng diện tích khoảng 618,26 ha.
Các CCN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có diện tích từ 18 đến hơn 75 ha. Trong đó, đến nay đã có 8 CCN có quyết định thành lập, quyết định chủ trương đầu tư.
Trong 8 CNN nói trên, có 6 CCN (Diên Phú, Diên Phú – VCN, Đắc Lộc, CCN và Chăn nuôi Khatoco, Trảng É 1, Sông Cầu) đã được đầu tư hạ tầng kĩ thuật tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động.
Riêng CCN Trảng É 2 đang đầu tư hạ tầng kĩ thuật và CCN Diên Thọ đã được thành lập đang triển khai thủ tục đầu tư.
Về tỉ lệ lấp đầy, chỉ có CCN Đắc Lộc và Diên Phú có tỉ lệ 100%. Hai CCN Diên Phú – VCN và CNN và chăn nuôi Khatoco có tỉ lệ lấp đầy từ 50 – 68%. Các CNN còn lại đang trong quá trình triển khai hoặc đang kêu gọi đầu tư.
“Phá băng” thu hút đầu tư
Theo Sở Công Thương, việc thu hút đầu tư tại các KCN và CCN trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà vẫn còn tồn tại một số vấn đề khó khăn nhất định. Một phần nguyên nhân là khâu giải phóng mặt bằng chậm, hạ tầng chưa đồng bộ và vướng quy hoạch, thủ tục đầu tư. Cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư là các dự án không gây ôn nhiễm môi trường.
Để giải quyết khó khăn trên, mới đây, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra nội dung kiến nghị của doanh nghiệp đầu tư theo đúng qui định của pháp luật. Sau khi có phương án, báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước cũng xin đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh này. Cụ thể, Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) xin đầu tư và phát triển dự án Nhà máy Điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong.
Dự án rộng 40 ha có tổng mức đầu tư khoảng 3,2 tỉ USD thuộc KCN Ninh Thủy nằm trong Khu kinh tế (KKT) Vân Phong – Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ – Hưng Yên cũng đã có văn bản xin làm chủ đầu tư dự án KCN Dốc Đá Trắng có quy mô khoảng 300 ha, tổng vốn hơn 1.800 tỉ đồng thuộc Khu Kinh tế Vân Phong – Khánh Hòa.
Liên quan đến việc thu hút đầu tư, Ban Quản lí KKT Vân Phong cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án theo qui định của Luật Đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 cho phù hợp với mục đích của dự án.
Tháng 9/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã đồng ý cho CTCP Đầu tư KCN VinHomes tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư hạ tầng KCN Nam Cam Ranh.
Dự án KCN Nam Cam Ranh thuộc xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh – Khánh Hòa (khoảng 352 ha) với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ… ít gây ô nhiễm môi trường.
Tháng 11/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kĩ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và giao ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng sẽ tổ chức họp chấm điểm trên thang điểm 100 cho các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư. Doanh nghiệp có số điểm từ 50 trở lên sẽ được xem xét, giao làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Trường hợp có từ hai doanh nghiệp trở lên cùng đề nghị được làm chủ đầu tư thì giao cho doanh nghiệp có số điểm cao nhất. Nếu có hai doanh nghiệp trở lên có số điểm cao nhất bằng nhau thì Hội đồng báo cáo UBND tỉnh quyết định.
Nguồn: diaochungvuong.com
Bình luận