Mặc dù thị trường vẫn tồn tại các khó khăn khi vướng mắc về mặt pháp lý chưa được giải quyết, song nguồn cung sản phẩm tiếp tục khan hiếm khiến giá BĐS không giảm mà thậm chí BĐS còn tăng trưởng ngay cả khi giao dịch ảm đạm.
Thị trường nhiều khó khăn nhưng BĐS vẫn tăng trưởng
Từ tháng 2-4/2020, đợt dịch Covid-19 đầu tiên xuất hiện đã khiến thị trường BĐS kém sôi động hơn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, việc phải giãn cách xã hội hồi tháng 4 cùng với tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng trên toàn cầu đã khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý gom hàng và đợi chờ thời cơ thị trường “chạm đáy” trong quý 2.
Tuy nhiên, dù bị tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 nhưng trên thực tế, giá nhà đất nói chung và BĐS cao cấp không hề giảm mà mà thậm chí BĐS còn có sự tăng trưởng nhẹ. Thị trường không hề có đáy như nhiều người lầm tưởng. Minh chứng là báo cáo thị trường BĐS 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng khẳng định mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn cho thị trường BĐS nhưng giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với Quý I/2020. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý I/2020. Đối với BĐS công nghiệp.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp, tuy nhiên BĐS công nghiệp nói chung vẫn thu hút khách thuê, giá thuê BĐS công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Bộ Xây dựng cho biết lượng mới mở bán rất ít, giá BĐS du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019.
“Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng thị trường BĐS vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, giá vẫn tiếp tục tăng, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại BĐS nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn”, báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
70% nguồn cung sụt giảm
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận định, nguyên nhân BĐS cao cấp vẫn hút khách mạnh mẽ, thậm chí tăng giá ngay giai đoạn khó khăn là do thị trường BĐS hiện nay thực tế về bản chất không hề xấu.
Ông Châu cũng cho biết: “Bằng chứng là tổng cầu có khả năng thanh toán rất lớn. Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 – 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 – 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM: “Khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm. Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có 1 dự án được “chạy”. Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá BĐS thời gian qua không vẫn không giảm. Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án BĐS uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp” – ông Châu khẳng định.
Xem thêm: Báo cáo thị trường BĐS quý II/2020
Đánh giá về thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp trong thời gian tới ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng khẳng định, việc nguồn cung hạn chế đang góp phần đẩy giá nhà đất tăng thêm đặc biệt khi tình trạng nguồn cung khan hiếm sẽ còn kéo dài trong 1 thời gian nữa do vướng mắc pháp lý, trong khi nguồn cầu vẫn rất lớn.
Giai đoạn kinh tế khó khăn do dịch bệnh hiện nay cũng là thời điểm tốt cho người mua nhà, nhà đầu tư BĐS có kinh nghiệm, có tầm nhìn tìm kiếm cơ hội từ việc tranh thủ các ưu đãi kích cầu của chủ đầu tư. “Nếu chờ đến khi tan dịch mới “vào cuộc” thì thời điểm vàng đã trôi qua”, ông Đính khẳng định.
Nguồn: CafeF
Bình luận